TUỔI NÀO LÀ MUỘN ĐỂ HỌC TIẾNG ANH

Tôi năm nay 43 tuổi, đang công tác tại một công ty có vốn nước ngoài tại thành phố Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng. Suốt nhiều năm qua luôn trăn trở muốn tìm ra một phương pháp học tiếng Anh hiệu quả nhất để chia sẻ cùng các bạn.

       Khi tốt nghiệp phổ thông trung học vào năm 1990, tôi 17 tuổi nhưng chưa biết một nửa từ tiếng Anh nào. Nghe chúng bạn thi thoảng xì xồ: "Hello", "Good morning" mà mình cứ như "Vịt nghe sấm". Vào những năm đó, tiếng Anh còn là một thứ gì đó xa lạ với một cậu "Tú tài" như tôi tại huyện nghèo của thành phố. Muốn học cũng chẳng có chỗ nào để mà học - mà cũng chẳng có tiền đâu ra mà đi học!

       Tốt nghiệp xong, tôi chưa kịp đi thi đại học thì nhận được giấy báo nhập ngũ. Không chút do dự, ngay lập tức khoác ba lô lên đường. Sau 3 tháng huấn luyện, tôi may mắn được cử học lớp Y tá trong quân đội. Sau 6 tháng đào tạo, tôi được cử ra công tác tại một hòn đảo thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Từ đó được tiếp xúc với những vị bác sỹ quân y đến từ Hà Nội có khả năng nói tiếng Anh như "gió". Họ truyền cho tôi nguồn cảm hứng. Họ chỉ bảo tôi cách học. Họ uốn nắn ngữ âm cho tôi. Vân vân và vân vân…. Nhưng không hiểu sao mà cứ học xong lại quên.

 

      Thấm thoắt 3 năm nghĩa vụ cũng trôi đi mà trình độ tiếng Anh cũng chỉ biết vài câu đơn giản như: "What’s your name? How are you? Where are you from?". Xuất ngũ về địa phương, trình độ không có gì ngoài một chứng chỉ "Sơ cấp Quân Y" – không đủ để giúp tôi kiếm được công việc. Ngay buổi sáng đầu tiên thức dậy, tôi quyết định phải tìm ngay trung tâm để học tiếng Anh.

 

      Xin mẹ được 100.000 đồng, tôi mua luôn 1 chiếc cát-xét cũ của cô hàng xóm. Trên lớp học bài nào, về nhà tôi "tua" lại và học thuộc lòng luôn bài đó – không chỉ nghe mà còn viết được. Trong nhà luôn có một hộp phấn trắng. Tôi viết tiếng Anh khắp nơi từ nền nhà, cánh tủ gỗ, trên tường đến mức bố mẹ tôi phát bực mình vì luôn phải chứng kiến nét chữ nghuệch ngoạc khắp nơi.

 

       Mỗi khi màn đêm buông xuống, tôi lại lôi cuốn nhật ký ra và ghi lại những gì diễn ra trong ngày hôm đó – gồm cả những suy nghĩ của mình - tất nhiên là ghi bằng "English".

 

       Đến lớp, tôi luôn tận dụng những khoảng thời gian giải lao hiếm hoi để lân la gần cô giáo. Tôi luôn cố gắng dùng tất cả những từ và cấu trúc đã học để "thực hành" với cô. Làm như vậy, phản xạ của tôi được cải thiện rõ rệt. Ngữ âm của tôi được cô uốn nắn hàng ngày.

 

      Ngày đó, từ nhà tôi sang thành phố học phải đi phà qua sông. Mỗi lúc trên phà, tôi không bao giờ bỏ qua cơ hội nếu vô tình "phát hiện" một ông Tây bà Tây nào. Tôi luôn là người chủ động trong giao tiếp. Tôi luôn ý thức rằng vì mình học ngoại ngữ nên bắt buộc phải tiếp xúc với người bản xứ thì mới hoàn thiện được phần ngữ âm của mình.

 

      Khi học, tôi luôn cập nhật những lịch thi của trung tâm cũng như của thành phố liên quan đến tiếng Anh. Tôi không tiếc tiền phí khi đăng ký thi. Qua mỗi một kỳ thi, tôi cảm thấy mình "tự tin" hơn nhiều – mặc dù kết quả của mỗi lần thi không cao.

 

      Trên đường, tôi luôn quan tâm đến các biển báo bằng tiếng Anh. Không hiểu, về nhà tôi tra từ điển ngay. Tôi chẳng hiểu sao mà nhiều nơi lại hay mắc lỗi giữa từ "Welcome" với "Well come".

 

      Đến nay, là một cử nhân ngoại ngữ - dù chỉ là bằng tại chức, cũng đã dạy được nhiều thế hệ học sinh và cũng đã từng sống và làm việc tại nước ngoài được một thời gian, tôi mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm trên với các bạn .

 

     Cuối cùng, tôi xin khẳng định lại rằng: Với mục tiêu rõ ràng cộng với cách học phù hợp và quyết tâm cao thì bất cứ độ tuổi nào, dù nam hay nữ, dù vùng miền nào các bạn cũng có thể học được tiếng Anh đủ để giao tiếp và phục vụ cho công việc của mình.